17 Bí quyết cho thai kỳ khỏe mạnh

Mang thai là một hành trình dài, và bạn càng nắm vững kiến thức về sức khỏe bao nhiêu thì hành trình của bạn sẽ dễ êm đẹp trót lọt bấy nhiêu. Không hút thuốc, uống rượu, nghỉ ngơi, bổ sung vitamin…là một trong những điều căn bản cần nắm. Còn gì nữa? Mời bạn xem 17 bí quyết của những bà mẹ đã từng sinh con rất thuận lợi và khỏe mạnh trong suốt thai kỳ nhé.

1. Bổ sung vitamin

Ngay từ khi mới có ý định có em bé thì bạn đã nên bổ sung vitamin rồi. Ống thần kinh của em bé, sau này sẽ cấu thành não và cột tủy sống, đã phát triển ngay từ tuần đầu tiên của thai kỳ, tức là có thể trước cả khi bạn biết mình mang thai. Do đó, hãy chuẩn bị cho cơ thể sẵn sàng tiếp dinh dưỡng cho bé tốt ngay từ những ngày đầu tiên, bằng cách bổ sung đầy đủ vitamin, acid folic, canxi và sắt.

Khi mới uống chưa quen, bạn có thể thấy hơi buồn nôn. Nên ăn lót dạ trước khi uống, có thể uống lúc gần đi ngủ, uống xong có thể nhai kẹo gum hoặc ngậm 1 viên kẹo cũng là mẹo tốt giúp bạn thấy dễ chịu hơn.

 

Thuoc-Bo-Ba-Bau-Elevit-Uc

 

2. Tập thể dục

Bà bầu nào cũng cần phải vận động điều độ để có thể kiểm soát cân nặng tốt, tăng tuần hoàn máu, giữ cho tinh thần phấn chấn, ăn được, ngủ ngon. Hơn nữa, chăm chỉ tập luyện cũng là một thói quen tốt để bạn làm gương cho bé sau này.

Có rất nhiều hình thức vận động phù hợp với bà bầu: tập pilates, yoga, bơi lội hoặc đi bộ nhẹ nhàng, làm việc nhà vừa sức, đúng tư thế….Cố gắng vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày. Bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ trước, hoặc lắng nghe cơ thể mình, khi nào thấy mệt thì dừng lại.

 

Ba-Bau-Tap-Yoga

 

3. Viết kế hoạch dự sinh

Chuẩn bị tốt và sớm sẽ giúp bạn luôn trong tư thế sẵn sàng với mọi tình huống, nhờ vậy giảm stress rất nhiều. Bạn muốn sinh ở bệnh viện nào? Có muốn gây tê màng cứng không? Muốn ai có mặt vào lúc bạn sinh? Hãy viết ra mọi thứ bạn muốn, mọi tình huống bạn nghĩ có thể phát sinh, từ lúc bắt đầu thai kỳ cho đến lúc sinh con, và thông báo kế hoạch đó cho những người có liên quan.  Đặc biệt, hãy nghiên cứu trước những tình huống phức tạp, chẳng hạn bạn chỉ có một mình lúc gần sinh, hoặc trong tình huống nào thì phải sinh mổ…

4. Trau dồi kiến thức

Dù sinh con đầu lòng hay con thứ hai, ba…bạn cũng nên cập nhật những kiến thức mới nhất về sinh nở, bằng cách đọc sách hay tham gia các lớp thai sản. Bạn cũng cần nắm rõ bệnh sử của bản thân và gia đình để hỏi bác sĩ nếu bạn lo lắng các bệnh di truyền có thể ảnh hưởng đến bé.

5. Tập Kegel

Kegel là bài tập cho các cơ vùng sàn chậu, là nơi nâng đỡ thận, ruột và tử cung. Nếu được tập luyện thường xuyên và đúng cách, bài tập này sẽ giúp bạn sinh dễ hơn, và tránh những rắc rối sau khi sinh. Bạn có thể tập kegel ở mọi nơi, chỉ cần tập trung chứ không mất sức gì cả: Nhíu vùng hậu môn như cách bạn nín tiểu, giữ 3 giây, thả lỏng 3 giây rồi lặp lại 10 lần. Bạn có thể tập bao nhiêu đợt tùy thích trong ngày, càng nhiều càng tốt.

6. Bỏ bớt việc nhà

Kể cả những công việc đơn giản thường ngày như chùi sàn toilet, tắm cho thú cưng…cũng có thể trở nên nguy hiểm khi bạn mang thai. Do vậy nên bỏ bớt một số việc nhà như sau:

–        Công việc đòi hỏi mang vác nặng

–        Công việc trong môi trường trơn trợt như nhà tắm

–        Leo thang hoặc đi cầu thang nhiều lần

–        Đổ phân mèo

–        Tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa

–        Đứng lâu, nhất là ở gần bếp nóng

Bên cạnh đó, khi làm những công việc chùi rửa, bạn nhớ mang găng tay và rửa tay kỹ sau khi làm xong

7. Theo dõi cân nặng

Các mẹ bầu thường mang áp lực “ăn cho hai người”, tuy nhiên lên cân quá nhiều thì sau khi sinh rất khó xuống, mà lại còn rất ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, huyết áp.. của mẹ và bé. Bạn dựa theo bảng cân nặng tiêu chuẩn sau đây, hoặc tham khảo bác sĩ để kiểm soát tốt cân nặng của mình nhé:

–        Thiếu cân: chỉ tăng 4-9 kg

–        Bình thường: tăng 9-11kg

–        Hơi quá cân: tăng 11-15kg

–        Nguy cơ béo phì: tăng trên 15kg

8. Mua giày mới

Một trong những điều dễ chịu (hiếm hoi!) khi mang thai là được và phải mua giày mới. Lí do là khi bạn tăng cân do mang thai, trọng lực cơ thể đè nặng hơn sẽ làm bàn chân bạn như to ra và bạn cần tìm size giày lớn hơn. Kể cả sau khi sinh xong chân bạn rất có thể sẽ không giảm size, do đó cứ mua thêm vài đôi giày. Chọn giày đế bằng, đi lại thoải mái, không trơn trợt.

9. Lưu ý khi đi spa

Bạn có thể rất muốn đi spa thư giãn trong những ngày bầu bí nặng nhọc. Tuy nhiên cần lưu ý một số điều sau:

–        Tránh tắm hơi vì nhiệt độ cao của cơ thể không tốt cho bé

–        Ngâm nước nóng không quá 10-20 phút (tùy nhiệt độ)

–        Một số loại tinh dầu có thể gây co thắt tử cung như: tinh dầu bách xù (juniper), hương thảo (rosemary), xô thơm (clary sage)

–        Một số huyệt đạo ở chân cũng gây kích thích tử cung khi bấm vào, do đó bạn nên tránh massage chân

–        Nên nằm massage/ nằm ngủ tư thế nghiêng bên trái, tránh nằm sấp

 

10. Ăn thực phẩm giàu folate

Acid folic là chất tối cần thiết cho sự phát triển bình thường của ống thần kinh thai nhi. Do đó ngay trước khi có thai hãy bổ sung chất này đầy đủ bằng các thực phẩm như ngũ cốc, măng tây, cam…và uống bổ sung vitamin tổng hợp như Elevit của Úc.

 

11. Tỉnh ngủ bằng trái cây

Bác sĩ khuyến cáo không nên dùng caffeine vì chất này có thể ảnh hưởng xấu đến bạn và em bé. Tuy nhiên, bỏ cà phê có thể không dễ dàng, đặc biệt là những người cần tỉnh táo để làm việc. Hãy thử thay thế dần dần bằng trái cây. Chất đường tự nhiên trong các loại trái cây, đặc biệt là chuối và táo, giúp bạn có nhiều năng lượng hơn và cũng rất tốt cho sức khỏe.

 

12. Ăn cá nhiều hơn

Trong một nghiên cứu năm 2007 trên hơn 12,000 trẻ em, người ta thấy những đứa trẻ có mẹ ăn cá nhiều trong thời kỳ mang thai thì có chỉ số IQ cao hơn, kỹ  năng vận động và giao tiếp tốt hơn. Khoa học giải thích rằng vì trong cá có omega-3, một chất dinh dưỡng tối cần thiết cho sự phát triển não bộ. Tuy nhiên, thịt một số loài cá có thủy ngân, như cá kiếm, cá thu, cá đầu vuông, cá mập…bạn nên tránh ăn vì chất này có hại.

 

13. Dùng kem chống nắng

Khi có thai, da bạn sẽ nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời, nên bạn sẽ dễ bị cháy nắng, nám và tàn nhang hơn. Do đó hãy thoa kem chống nắng đầy đủ, có độ SPF từ 30 trở lên (ưu tiên các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, không hóa chất) bất cứ khi nào ra khỏi nhà vào ban ngày, kể cả khi trời không nắng. Các bác sĩ cũng khuyên bạn nên tránh nhuộm da, tắm nắng vào thời kỳ mang thai.

 

14. Thận trọng khi đi máy bay

Nếu được bạn nên chọn đi máy bay trong thời gian từ tuần 14-tuần 28, là giai đoạn giữa thai kỳ khi rủi ro sảy thai và sinh non không cao. Tuy nhiên trước khi bay bạn cũng nên đi khám thai để kiểm tra tình trạng sức khỏe lúc đó, và hỏi kĩ quy định của hãng hàng không đối với phụ nữ mang thai. Trên máy bay, hãy uống nhiều nước và đứng dậy đi lại mỗi nửa tiếng để máu được lưu thông. Nên chọn ghế cạnh lối đi để có nhiều không gian hơn cũng như dễ đi lại.

 

15. Thỉnh thoảng hãy chiều theo sự thèm ăn của mình

Sự thèm ăn khi mang thai có thể là đòi hỏi của cơ thể khi thiếu chất, hay cũng có thể là một hiện tượng tâm lý đặc biệt của thai kỳ. Dù là gì đi nữa, miễn là bạn đảm bảo chế độ dinh dưỡng của mình cân bằng, thì thỉnh thoảng có thể chiều theo cơn thèm một chút. Tuy nhiên nên nắm rõ các giới hạn, chẳng hạn như mỗi ngày chỉ nên ăn một ly kem hay nửa lon coca, tránh đồ sống, phô mai chưa được tiệt trùng, rau sống…

 

16. Biết khi nào nên đến bệnh viện

Hãy đến bệnh viện hoặc bác sĩ khám thai cho bạn khi thấy những dấu hiệu sau:

–        Đau nhiều ở bất cứ đâu

–        Chuột rút nặng

–        Đau/gò bụng nhiều lần cách nhau 20 phút

–       Âm đạo chảy máu hay ra nước

–       Choáng váng, ngất

–       Khó thở

–       Tim đập nhanh

–       Nôn ói quá thường xuyên

–       Co cơ, không đi lại được

–       Sự vận động của em bé trong bụng (do bạn theo dõi bằng cách cảm nhận hàng ngày) ngừng hoặc giảm đáng kể.

17. Chiều chuộng bản thân

Bạn có thể có nhiều việc để làm, nhưng hãy nghĩ đến việc sau khi sinh bé xong bạn sẽ không có thời gian nào cho bản thân nữa. Vậy hãy tranh thủ thư giãn, làm những việc mình thích, như đi spa, làm đẹp, đi chơi, nghe nhạc…