Các triệu chứng nguy hiểm cần báo động khi mang thai

Khi mang thai, bất kỳ triệu chứng bất thường gì xảy ra, các mẹ bầu cũng nên chú ý vì nếu xử lý sớm sẽ mang lại nhiều điều tốt đẹp hơn. 

 

1. Xuất huyết bất thường

Ra máu là biểu hiện bất thường có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. Nếu thai phụ bị ra quá nhiều máu, kèm theo đau bụng hoặc đau bụng dưới giống thời gian hành kinh hay cảm thấy choáng, mệt, chóng mặt như ở giai đoạn đầu của thai kỳ, thì đó có thể là dấu hiệu mang thai ngoài tử cung. Hiện tượng có thai ngoài tử cung xảy ra khi trứng đã thụ tinh làm tổ ở một nơi khác ngoài tử cung, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của thai phụ.

Xuất huyết kèm theo co thắt mạnh ở vùng bụng dưới còn là dấu hiệu sẩy thai khi thai phụ đang trong giai đoạn đầu hoặc ở đầu giai đoạn thứ hai của thai kỳ. Xuất huyết ở giai đoạn thứ ba của thai kỳ kèm theo đau bụng có thể là triệu chứng của hiện tượng bong nhau non, xảy ra khi nhau thai bong ra khỏi thành tử cung.

“Xuất huyết luôn là dấu hiệu nguy hiểm”, bác sĩ Donnica Moore nói. Theo bà, mọi hiện tượng xuất huyết trong quá trình mang thai đều không được phép xem nhẹ. Nếu thai phụ bắt đầu bị chảy máu, đừng bao giờ chần chừ mà phải lập tức gọi bác sĩ hoặc phải được cấp cứu.

2. Nôn, ói quá nhiều

Nếu mẹ mang thai mà bị nôn nhiều đến mức ra hết thức ăn trong dạ dày, sau khi nôn xong thấy đói như chưa ăn gì thì tình hình đã trở nên nguy hiểm. Theo Bác sĩ Bernstein: “Nếu không thể ăn uống được gì, thì cơ thể đang trong tình trạng mất nước và thiếu dinh dưỡng”. Thiếu dưỡng chất hay mất nước có thể gây ra sinh non hoặc dị tật thai nhi. Nếu bị nôn ói một cách bất thường và kéo dài bạn phải đi khám bác sĩ ngay để kịp thời xử lý. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cách kiểm soát cơn nôn ói và tư vấn cho bạn về chế độ dinh dưỡng, giúp tìm ra loại thức ăn giảm nôn. Phải kiên nhẫn điều trị cho hết nôn ói thì mẹ và thai nhi mới có đủ dinh dưỡng cần thiết.

3. Thai nhi giảm cử động rõ rệt

Em bé của bạn bình thường rất “nghịch ngợm” trong bụng mẹ, bé đạp và di chuyển trong cơ thể mẹ cả ngày, bỗng một ngày bé ít cử động hơn hẳn, mẹ phải đặt chú ý ngay xem chuyện gì đang xảy ra với bé. Nếu bé không cử động nhiều hơn hẳn mọi ngày, rất có thể là bé không nhận được đủ oxy và dinh dưỡng từ nhau thai.

Bạn thử áp dụng cách này nhằm kiểm tra xem em bé có vấn đề gì không: Đầu tiên, uống một chút nước, hay ăn gì đó rồi nằm nghiêng để kiểm tra xem em bé có đang cử động không?

Hoặc bạn có thể đếm số lần bé đạp bụng mẹ. Hiện các nghiên cứu chưa thống nhất được bao nhiêu lần cử động là tốt cho bé, nhưng các mẹ bầu cứ theo dõi thường xuyên cũng sẽ rút ra được số lần cữ động trung bình của bé để từ đó kết luận được nếu có lúc bé cử động nhiều hay ít hơn nhiều so với con số trung bình này. Thường thì trong 2 giờ bé đạp bụng mẹ khoảng 10 lần là bình thường. Nếu ít hơn nhiều, bạn nên gặp bác sĩ để được kiểm tra bằng các thiết bị chuyên môn để xác định xem tình trạng hoạt động và phát triển của bé trong bụng mẹ.

4. Các cơn gò sớm

Cơn gò (bụng gò lên từng cơn như đợt sóng) diễn ra quá sớm, vào 3 tháng giữa hay đầu 3 tháng cuối có thể là dấu hiệu của sinh non. Nhưng cũng có thể đó chỉ là cơn gò giả rất dễ bị nhầm lẫn, thường gọi là cơn gò Braxton – Hicks. Cơn gò giả  diễn ra bất ngờ, không đều đặn, nhưng bất ngờ, không gia tăng cường độ và thường là không đau. Cơn gò thật thường lặp lại trong vòng 10 phút hoặc ít hơn và sẽ tăng dần cường độ, đi kèm với cơn đau và bụng co cứng.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, bạn đừng bao giờ chủ quan với các cơn co thắt này. Nhất là ở ba tháng cuối của thai kỳ, nếu thấy có cơn gò, bạn nên theo dõi trong 10 phút để phân biệt, và khi đã nghi ngờ cơn co thắt là dấu hiệu sinh thì phải lập tức vào bệnh viện hoặc liên lạc bác sĩ để được kiểm tra.

5. Hiện tượng rò rỉ nước ối

Đó là khi có dòng chất lỏng chảy xuống hai chân nhưng không có mùi khai và trước đó bạn cũng không buồn tiểu. Nếu nghi ngờ và không xác định được chất lỏng đó là nước tiểu do bàng quang bị đè nén hay là do rò nước ối thì bạn nên thử đi tiểu cho đến khi sạch bàng quang. Nếu sau đó nước này vẫn tiếp tục chảy và bạn không kiểm soát được nó thì nhiều khả năng bạn bị rò rỉ nước ối. Cần phải đến bệnh viện ngay vì nếu để nước ối chảy quá lâu sẽ khiến bạn bị thiếu ối hoặc nhiễm trùng, gây nguy hiểm cho em bé trong bụng.

6. Nhức đầu dai dẳng, đau bụng, rối loạn thị giác, phù nề trong suốt giai đoạn 3 của thai kỳ

Đây có thể là những triệu chứng của tiền sản giật. Đây là một biểu hiện nguy hiểm phát triển âm ỉ trong quá trình mang thai và càng gần đến ngày sanh hậu quả càng khó lường. Hiện tượng này thường xảy ra sau tuần 20 của thai kỳ, nguyên nhân là do thai phụ bị cao huyết áp và dư thừa protein trong tử cung.

Ngay khi có các biểu hiện trên, bạn phải liên lạc bác sĩ để kiểm tra huyết áp. Nếu đó đúng là những triệu chứng của tiền sản giật có thể gây ra sản giật khi sinh, bác sĩ sẽ chỉ định những biện pháp sinh an toàn và cách chăm sóc sức khỏe để đảm bảo cho bạn và bé.

7. Các triệu chứng cúm

Phụ nữ mang thai thường rất dễ nhiễm bệnh, nhất là trong mùa dịch cúm vì trong thai kỳ hệ miễn dịch của cơ thể phũ nữ mang thai chịu nhiều áp lực hơn.

8. Mệt mỏi, xanh xao, thiếu sức sống

Thiếu máu là tình trạng khá phổ biến ở phụ nữ mang thai, kèm theo các dấu hiệu: mệt mỏi thường xuyên, cảm thấy yếu trong người, da nhợt nhạt, dễ bị lạnh. Nếu sau khi làm xét nghiệm và bị xác định thiếu máu, bạn sẽ được bác sĩ kê toa bổ sung axit folic và chất sắt. Nếu thiếu máu nghiêm trọng, bạn có thể sẽ được truyền máu khi sinh. Nhớ đem theo kết quả xét nghiệm đầy đủ khi đi sinh để các bác sĩ dự liệu trước các tình huống có thể xảy ra.

9. Chảy máu âm đạo kéo dài

Chảy máu âm đạo kéo dài có thể do tình trạng nhau tiền đạo: bánh nhau bám ở phần thấp nhất của tử cung làm che phủ một phần hay toàn bộ tử cung, cản trở đường ra của thai.  Có thể không có triệu chứng nào, hoặc cũng có thể xuất hiện máu ở âm đạo nhưng lại không đau đớn trong ba tháng giữa hoặc cuối. Tình trạng này rất nguy hiểm khi sinh và cần được phát hiện kịp thời.

10. Buồn phiền, căng thẳng kéo dài

Mẹ bầu có quá nhiều cảm xúc tiêu cực như buồn rầu, lo lắng, chán nản… rất có thể đã bị trầm cảm thai kỳ – rất thường gặp trong và sau khi mang thai. Ngoài ra thai phụ còn có thể ăn uống không thấy ngon, tâm trạng ngày một tồi tệ, thậm chí có những suy nghĩ gây tổn hại cho con và chính mình. Nếu bị tình trạng trên, bạn cần chia sẻ càng nhiều càng tốt với những người gần gũi và tin cậy, thậm chí có thể gặp bác sĩ tâm lý để được điều trị kịp thời.

11. Khát nước và đi tiểu quá thường xuyên

Đây có thể là một triệu chứng của bệnh tiểu đường thai kỳ thường xảy ra ở thai phụ vào 3 tháng giữa. Khi đến gặp bác sỹ, thường thì bạn sẽ được tư vấn thay đổi chế độ ăn uống hơn là chỉ định điều trị bằng thuốc.

12. Chảy máu âm đạo kèm theo chuột rút

Nếu bị chảy máu âm đạo cùng với những cơn đau bụng, chuột rút, đau cổ tử cung thì rất có thể là tình trạng đứt nhau thai. Đây là hiện tượng nhau thai kéo ra ngoài thành tử cung làm bào thai bị thiếu oxy. Nếu bị nhẹ thì chỉ cần nghỉ ngơi và ngủ đủ. Tuy nhiên nếu tình trạng này trở nên nghiêm trọng (hơn một nửa nhau thai bị tách ra) thì bác sĩ sẽ  phải chỉ định cho sinh sớm để cứu tính mạng người mẹ.

13. Huyết áp cao

Huyết áp cao là một tình trạng nguy hiểm, hơn nữa có thể là dấu hiệu của bệnh nhiễm độc huyết hoặc tiền sản giật. Nếu huyết áp cao liên tục và không có dấu hiệu giảm thì thông thường bác sĩ sẽ chỉ định cho sinh sớm. Nếu thai nhi đã được gần 37 tuần tuổi thì hầu như chỉ định này là an toàn cho cả mẹ và bé, nhưng nếu thai nhi còn quá non, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân nghỉ ngơi, dưỡng thai, dùng thuốc hạ huyết áp, có thể sẽ phải nằm viện để theo dõi. Mẹ bầu nên lưu ý là thuốc hạ huyết áp không hề tốt cho cả mẹ lẫn bé, cho nên tốt nhất cần giữ một chế độ ăn uống hết sức lành mạnh trong suốt thai kỳ.