Dây rốn quấn cổ là tình trạng dây rốn quấn quanh cổ thai nhi một vòng hoặc nhiều vòng, nguyên nhân do thai nhi thường xuyên cử động, xoay chuyển trong không gian tử cung chật hẹp của mẹ làm dây rốn cũng bị cuốn theo tạo thành những vòng quấn xung quanh cổ.
Dây rốn quấn cổ thường gặp trong những tháng cuối thai kỳ. Nguyên nhân có thể do:
– Dây rốn dài hơn thai nhi,
– Thai nhỏ,
– Nước ối nhiều…
- Chú ý tác hại của Dây rốn quấn cổ thai nhi:
Khi thai nhi bị dây rốn quấn cổ, quá trình vận chuyển máu và dinh dưỡng nuôi thai nhi sẽ bị cản trở, làm thai nhi có nguy cơ nhẹ cân, thiếu máu. Trường hợp dây rốn quấn cổ chặt sẽ ảnh hưởng mạnh đến lượng máu nuôi thai nhi, có khi gây tử vong cho thai nhi. Khi dây rốn quấn cổ nhiều vòng có thể làm đầu thai nhi cúi không tốt cản trở việc sanh ngã âm đạo
Trong quá trình chuyển dạ, dây rốn quấn cổ có thể khiến thai nhi bị treo trên cao, khó lọt qua cổ tử cung để ra ngoài. Nếu dây rốn quấn chặt thì bé có thể bị thiếu oxy sau khi sinh với các dấu hiệu co giật, chân tay run…
- Nên siêu âm để phát hiện sớm:
Bạn nên đi khám thai vào các tuần cuối và siêu âm Doppler màu có thể đánh giá lưu lượng máu từ mẹ đến thai qua động mạch rốn, ngoài ra cũng có thể xem được số vòng dây rốn quấn cổ thai nhi.
Trước hết, bạn không nên lo lắng thái quá làm ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và thai nhi.
Người mẹ cần theo dõi kỹ cử động thai. Theo dõi biểu đồ tim thai bằng máy là một cách đánh giá sức khỏe thai nhi tốt thường được bác sĩ sử dụng.
Bạn cần theo dõi cử động của thai thường xuyên, nếu thấy bất thường cần đến bệnh viện để kiểm tra ngay. Còn nếu thai vẫn cử động bình thường, bạn cũng cần đến bác sĩ theo dõi thai chặt chẽ theo lịch hẹn định kỳ.
Để tránh cho em bé bị quấn thêm, mẹ cần tránh các kích thích quá mức cho thai nhi, vận động nhẹ nhàng , không làm việc quá sức, ăn uống hợp lý, tinh thần thoải mái, tránh nghe các loại nhạc quá mạnh, đến những nơi ồn ào. Nên chọn nghe những bản nhạc có giai điệu êm dịu.
Một số trường hợp thai ở tuần thứ 18-25 bị dây rốn quấn cổ sau đó tự trở lại bình thường, song cũng có trường hợp thai nhi càng lớn, cử động nhiều nên bị dây rốn quấn thêm một vài vòng.
Đối với trường hợp thai nhi và bạn khỏe mạnh, dây rốn quấn cổ ít (một vòng), khi chuyển dạ bác sĩ có thể chỉ định đẻ thường. Trong trường hợp dây rốn quấn cổ nhiều vòng, thai to, sức khỏe mẹ yếu, bác sĩ có thể chỉ định mổ đẻ.
(Theo ThS. Vũ Thị Tuyết Mai)