Bạn sẽ cảm nhận được nước ối vỡ khi thấy như có một bọc nước trong mình vỡ òa ra, hoặc thấy có một dòng nước chảy ra liên tục từ trong người mình không ngăn lại được. Nước ối có màu trắng trong, không mùi, có thể lẫn vài vệt máu. Từ khi túi ối bắt đầu vỡ, nếu bạn theo dõi thấy nước ối có mùi hoặc màu lạ, thân nhiệt tăng thì phải nhập viện ngay vì khi đó có thể xuất hiện nhiễm trùng.
Thông thường túi ối sẽ vỡ ra khi bạn bắt đầu những cơn gò bụng và chuẩn bị sinh, hoặc trong khi sinh. Tuy nhiên một số trường hợp (tỉ lệ 1/12) túi ối sẽ vỡ trước khi cơn gò xuất hiện, và một số ít hơn (tỉ lệ 1/100) trường hợp túi ối vỡ từ rất sớm, trước khi bé được 37 tuần. Do đó khi túi ối vỡ, tùy trường hợp (thai đã đủ 37 tuần chưa, đã xuất hiện cơn gò chưa) mà bạn có cần nhập viện và có cần giục sinh ngay không.
Vì sao khi túi ối vỡ người ta thường nghĩ đến việc giục sinh? Vì khi đó lớp màng bảo vệ xung quanh bé không còn, bé và mẹ đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng cao hơn. Tuy nhiên như đã nói ở trên, tùy trường hợp vỡ ối mà bạn có thêm 2 lựa chọn nữa: Một là, nếu thai đã đủ tháng và cơn gò chưa xuất hiện, bạn có thể chờ trong vòng 24 tiếng đến khi bắt đầu cơn gò và sinh bình thường. Nếu thai chưa đủ tháng, bạn có thể chờ lâu hơn một chút. Khi chờ như vậy để cơn gò đến tự nhiên, bạn sẽ đỡ đau đớn hơn nhưng bù lại sẽ đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng cao hơn. Nếu tiêm thuốc giục sinh để kích thích cơn gò đến nhanh hơn, cơn đau sẽ nhiều hơn bình thường. Nếu bạn quyết định chờ, bạn sẽ phải theo dõi nhịp tim và cử động của bé thường xuyên, cũng như theo dõi tình trạng nước ối và thân nhiệt của mình.
Khi vỡ ối, bạn có thể dùng băng vệ sinh dành cho thai phụ, có thể lót thêm tấm trải chống thấm khi ngồi/nằm để tránh bị ướt nước ối. Sau khi sinh xong, bạn cần được làm các xét nghiệm kiểm tra nhiễm trùng, và bé cũng sẽ được giữ lại trong bệnh viện ít nhất 24 tiếng để theo dõi. Nếu có hiện tượng nhiễm trùng, mẹ và bé sẽ được chỉ định kháng sinh, nhưng bạn cũng đừng quá lo lắng vì kháng sinh sẽ không gây hại cho bé hay cho nguồn sữa mẹ.