Nhau tiền đạo là gì?

Nhau-Tien-Dao

 

Nhau tiền đạo là gì?

Trước hết, nhau thai là bộ phận đưa chất dinh dưỡng từ mẹ chuyển sang thai nhi. Nhau thai có hình 1 cái bánh dẹp (nên cũng có người gọi là “bánh nhau”), thường nằm ở đáy hoặc thân tử cung. Tuy nhiên nếu bánh nhau này tự nhiên lại nằm ở đoạn dưới tử cung, che mất một phần hoặc che kín lỗ tử cung (khu vực “cửa ngõ” nơi em bé sẽ chui ra)  thì là bất thường  và gọi là nhau tiền đạo. Nhau tiền đạo làm cản trở đường đi của thai nhi do đó thông thường phải mổ lấy thai trong trường hợp này.

 

Cần làm gì khi phát hiện nhau tiền đạo

Nguy cơ của nhau tiền đạo phụ thuộc vào sự phát triển của thai. Nếu nhau tiền đạo xuất hiện vào giữa thai kỳ thì bạn cũng đừng quá hoảng sợ vì cũng có trường hợp bánh nhau sẽ tự “di dời” đi chỗ khác vào cuối thai kỳ, nhất là khi nhau chỉ mới bám thấp hoặc bám mép chứ chưa che tử cung hoàn toàn. Số liệu cho thấy chỉ 1/200 ca sinh là tình trạng nhau tiền đạo duy trì cho đến lúc sinh. Nếu phát hiện nhau tiền đạo vào 3 tháng giữa thì bạn sẽ được siêu âm kiểm tra lại vào đầu 3 tháng cuối. Trong thời gian này cần nghỉ ngơi hoàn toàn, ăn uống bồi bổ thêm, hạn chế di chuyển, tránh làm việc nặng, kiêng giao hợp, không được siêu âm ngả âm đạo.

 

Nếu có huyết âm đạo và/hoặc thai đã lớn từ 37 tuần trở đi thì bạn cần vào bệnh viện ngay để theo dõi hoặc để sinh ngay bằng phương pháp sinh mổ.

 

Ảnh hưởng của nhau tiền đạo

Ảnh hưởng đến mẹ: Ra huyết nhiều dẫn đến thiếu  máu, nếu nghiêm trọng có thể tử vong; sau khi sinh tử cung khó co hồi.

 

Ảnh hưởng đến em bé: Vì mẹ thiếu máu dẫn đến bé dễ còi xương, suy dinh dưỡng. Nếu tình trạng mất máu nhiều phải mổ lấy thai quá sớm để cứu mẹ, bé dễ bị nhiều nguy cơ khi sinh non như suy hô hấp. Ngoài ra vì bánh nhau nằm chèn tử cung nên bé khó xoay đầu mà sẽ nằm ở các tư thế bất lợi như ngôi ngược, ngôi ngang.

 

Bạn có nguy cơ cao bị nhau tiền đạo khi:

–        Đã từng bị nhau tiền đạo ở lần mang thai trước

–        Đã từng sinh mổ hoặc sinh mổ nhiều lần

–        Đa thai

–        Hút thuốc hoặc sử dụng chất gây nghiện

–        Viêm nhiễm tử cung hoặc đã từng phẫu thuật tử cung trước đó

–        Sinh quá nhiều lần

–        Đã từng nạo phá thai hoặc bị sẩy thai nhiều lần.