Có một căn bệnh liên quan đến thai kỳ mà ít mẹ bầu nào chú ý nhưng ngày càng trở nên phổ biến, đó là các chứng bệnh liên quan đến tuyến giáp, cụ thể là cường giáp và nhược giáp. Tuyến giáp là một bộ phận hình cánh bướm nằm ở trước cổ tiết ra hormone điều tiết sự trao đổi chất, hệ tim mạch, hệ thần kinh, cân nặng, thân nhiệt và nhiều chức năng khác trong cơ thể.
Ba tháng đầu là thời điểm quan trọng để theo dõi các triệu chứng bất thường của tuyến giáp, và nếu nghi ngờ bạn cần phải kiểm tra sức khỏe thường xuyên hơn. Đôi khi triệu chứng của cường giáp sẽ tương tự như những dấu hiệu khi mang thai, nhưng nếu bạn thấy tim đập nhanh, sụt cân và nôn không dứt, hoặc có tiền sử bị cường giáp hoặc nhược giáp thì cần hỏi ý kiến bác sĩ ngay để kịp thời làm các xét nghiệm cần thiết.
Bệnh tuyến giáp không được phát hiện sớm và chữa kịp thời rất dễ dẫn đến sinh non, tiền sản giật, sẩy thai và sinh nhẹ cân. Khi đi khám thai cần phải tư vấn bác sĩ nếu như bạn có tiền sử cường giáp hoặc thiểu giáp để bác sĩ có chế độ theo dõi và dưỡng thai phù hợp.
I. Các triệu chứng cần lưu ý:
- Cường giáp
Một số triệu chứng cường giáp có thể tương tự triệu chứng mang thai bình thường, như tim đập nhanh, nhạy cảm với nhiệt độ nóng và mệt mỏi, và một số triệu chứng khác:
– Tim đập bất thường
– Bồn chồn
– Nôn ói nghiêm trọng
– Rùng mình
– Sụt cân hoặc tăng cân quá ít so với mang thai bình thường
- Nhược giáp
Triệu chứng của nhược giáp là mệt mỏi khủng khiếp và tăng cân bất thường có thể bị nhầm lẫn với triệu chứng của thai kỳ bình thường. Một số triệu chứng khác bao gồm:
– Táo bón
– Khó tập trung hoặc giảm trí nhớ
– Nhạy cảm với thời tiết lạnh
– Chuột rút
II. Nguyên nhân của bệnh tuyến giáp trong thai kỳ
Nguyên nhân phổ biến nhất của cường giáp là do rối loạn miễn dịch trong thai kỳ còn gọi là Grave’s disease hoặc Basedow. Cơ thể tạo ra một kháng thể gọi là thyroid-stimulating immunoglobulin (TSI) làm cho tuyến giáp sản sinh ra quá nhiều hormone tuyến giáp.
Còn đối với nhược giáp, nguyên nhân phổ biến nhất là rối loạn miễn dịch còn gọi là Hashimoto’s thyroiditis. Cơ thể tấn công nhầm vào các tế bào tuyến giáp làm cho tuyến giáp không có đủ tế bào và enzyme để sản sinh ra hormone tuyến giáp.
III. Chẩn đoán
Cường giáp và nhược giáp có thể được phát hiện thông qua các triệu chứng kể trên, biểu hiện trên cơ thể (run tay, cổ to (bướu cổ) đối với cường giáp; da khô tróc vảy, rụng tóc, giọng khàn đối với nhược giáp) và chính xác nhất là xét nghiệm máu xem nồng độ các hormone sau:
– Hormone T4 Giá trị bình thường: 77,28 – 157,4 nmol/l
– Hormone T3 Giá trị bình thường: 1,34 – 2,73 nmol/l
– TSH Thyroid Stimulating Hormon: Kích tố hướng giáp, do tùy trước tuyến yên tiết ra, có tác dụng kích thích tuyến giáp bài tiết hormon T3, T4. Giá trị bình thường: 0,34 – 5,6 µIU/m.
IV. Điều trị
Trong quá trình điều trị cường giáp, các mẹ bầu cần lưu ý:
– Tăng cường bổ sung calo, vitamin và hạn chế đồ uống lợi tiểu vì cường giáp sẽ làm cơ thể sụt cân nghiêm trọng cộng thêm việc mang thai sẽ khiến bạn suy kiệt nhanh chóng, do đó cần tăng cường bổ sung năng lượng và giảm bài tiết.
– Hạn chế muối i-ốt và các thực phẩm có i-ốt vì tuyến giáp dùng I-ốt để sản xuất hormone, bổ sung thêm i-ốt sẽ làm bệnh nặng hơn
Ngược lại với cường giáp, khi điều trị nhược giáp thì bổ sung Iodine (i-ốt) là điều tối quan trọng để hỗ trợ cho việc điều trị có hiệu quả.