Các mẹ ở tuần 16-22 chắc hẳn đã bắt đầu cảm nhận được bé cử động trong bụng mình rồi: nhoài người, nấc, và dễ cảm nhận nhất là những cú đá vào bụng mẹ ngày một rõ dần. Cảm giác có khi như con cá quẫy đuôi trong nước, có khi như bong bóng xà phòng vỡ. Tùy từng giai đoạn khác nhau sẽ có 1 số lưu ý về cử động của bé (thai máy) mà các mẹ cần biết đấy:
– Từ tuần 24 – 28: Sẽ không có gì bất thường nếu bạn cảm thấy bé nấc cục (cảm giác như tiếng mạch đập lên xuống tron bụng, đều và liên tục) và mặc dù tiếng động lớn bên ngoài không gây hại cho bé nhưng có thể làm bé “giật nảy” lên! Bé có phản xạ giật mình, thường xuyên thay đổi trạng thái ngủ và thức.
– Khoảng tuần thứ 29: Tử cung của bạn bắt đầu trở nên chật chội hơn nên bé sẽ chuyển động ít hơn nhưng bạn sẽ cảm nhận được những chuyển động đó rõ hơn. Lúc này bạn sẽ phải bắt đầu theo dõi thường xuyên cử động của bé. Thai nhi khoẻ mạnh khi có hơn 4 lần cử động trong 30 phút. Nếu thai nhi cử động ít hơn 4 lần, sản phụ phải đi nằm và đếm cử động thai trong một giờ, hay từ 2-4 giờ. Nếu trong 4 giờ có ít hơn 10 cử động thai, hay tất cả những cử động thai yếu, bà mẹ cần phải nhập viện để theo dõi tình trạng thai nhi thêm bằng những phương pháp khác.
– Khoảng tuần thứ 32: Bé thậm chí sẽ cử động nhiều hơn trước khi thu mình vào vị trí cuối cùng vào khoảng tuần thứ 36. Vì không gian chật chội hơn và bé đã khỏe hơn, những chuyển động của bé có thể làm bạn thấy không được thoải mái – đặc biệt là khi bé thúc vào mạng sườn bạn! Bé sẽ có những động tác đá chân hay vung tay mạnh hơn. Mắt bé có thể nhắm và mở để cảm nhận những thay đổi ánh sáng.
– Từ tuần 36 – 40: Thông thường bé đạp ít hơn vào cuối thai kỳ nên bạn đừng lo lắng khi thấy bé cử động ít đi. Nhưng hãy đảm bảo chắc chắn rằng bạn vẫn thấy bé đạp.