Những tình huống quan trọng phải biết trước khi sinh
Càng gần đến ngày sinh, bên cạnh niềm vui là rất nhiều những cảm xúc lo lắng mà người mẹ nào cũng sẽ trải qua, bởi không có ca sinh nở nào giống nhau và mỗi lần vượt cạn đều có những điều bất ngờ mà nếu không chuẩn bị tâm lý trước, bạn sẽ lúng túng làm cho cuộc sinh nở khó khăn hơn. Hãy tham khảo một số tình huống sinh thường gặp để sẵn sàng nhé.
Tình huống 1: Bị vỡ ối mà chưa thấy cơn đau
Những cơn đau chuyển dạ thông thường sẽ xuất hiện trước khi vỡ ối. Lúc này, cổ tử cung có thể đã mở từ 6 đến 8 phân, bạn phải đến bệnh viện ngay. Túi ối có khi không tự vỡ mà cần có sự can thiệp của bác sĩ.
Tuy nhiên cũng có trường hợp nước ối vỡ nhưng bạn vẫn chưa thấy đau bụng, bạn cần lập tức đến bệnh viện và báo cho bác sĩ về tình trạng này vì lúc này nguy cơ nhiễm trùng ối rất cao. Bạn có thể mang tã bà bầu để tránh nước ối chảy tràn quá nhiều, nhớ uống nhiều nước tránh mất nước. Các bác sĩ sẽ phải theo dõi trong 6 đến 12 giờ tiếp theo. Nếu quá lâu mà cổ tử cung vẫn chưa mở đủ để sinh thì có thể phải áp dụng các biện pháp giục sinh để tránh nhiễm trùng cho mẹ và thai nhi.
Tình huống 2: Ngôi thai ngược
Vị trí thuận lợi nhất cho em bé chào đời là đầu quay xuống dưới tử cung, mặt quay vào bụng mẹ. Thông thường từ tuần 32 của thai kỳ, em bé sẽ bắt đầu “vào vị trí”. Tuy nhiên không phải em bé nào cũng quay đầu theo vị trí trên, cũng có trường hợp bé không quay đầu mà quay chân xuống dưới tử cung, gọi là ngôi ngược. Trường hợp này bác sĩ có thể can thiệp để thai nhi quay đầu, tỷ lệ thành công khoảng 60%, nếu không mẹ có thể sẽ phải sinh mổ.
Tình huống 3: Cổ tử cung mở quá chậm
Quá trình sinh nở có 2 giai đoạn:
– Giai đoạn đầu tiên có thể phải mất hàng giờ lên đến 24 giờ, là khi cổ tử cung mở từ 2-4 phân.
– Tuy nhiên đến giai đoạn 2 cổ tử cung bắt đầu mở nhanh đến 10 phân và các cơn đau chuyển dạ trở nên dữ dội, thông thường từ 2-3 giờ. Nếu cổ tử cung mở tốc độ chậm hơn thì các bác sĩ sẽ tìm hiểu nguyên nhân, có thể sẽ sử dụng oxytocin để giục sinh.
Tình huống 4: Nếu không chịu được cơn đau đẻ thì sao?
Đây là điều mà bà mẹ nào, nhất là những người sinh con lần đầu cũng ám ảnh sợ hãi nhất. Tuy nhiên hầu hết các bà, các mẹ đều trải qua ca sinh nở rất nhẹ nhàng. Khi lên bàn sinh bạn sẽ cảm thấy can đảm hơn với ý nghĩ sắp được gặp con yêu. Hãy tham gia các lớp tiền sản để học các kỹ thuật hít thở giảm đau, hoặc nếu bạn lo ngại ngưỡng chịu đau của mình quá kém, có thể đăng ký dịch vụ sinh không đau.
Tình huống 5: Nếu thai nhi bị dây rốn quấn cổ
Nghe có vẻ nghiêm trọng nhưng tình trạng dây rốn quấn cổ 1 hoặc 2 vòng đều rất phổ biến vì bé nào cũng ngọ nguậy trong bụng mẹ. Bác sĩ sẽ thường xuyên theo dõi bé cho đến ngày sinh để đảm bảo dây rốn không gây nguy hiểm cho bé. Nếu ổn mẹ vẫn có thể đẻ thường, hoặc sẽ được chỉ định mổ lấy thai nếu bạn lo lắng nguy cơ xảy ra với bé.
Tình huống 6: Nếu đến lúc đẻ mà vẫn không biết rặn đẻ thì sao?
Sinh đẻ là điều rất tự nhiên thuộc về bản năng nên bạn đừng lo lắng, chỉ cần hợp tác và tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Tốt nhất bạn nên tham gia các lớp học tiền sản để nắm trước cách rặn đẻ, cách chăm sóc thai kỳ và theo dõi hậu sản. Kỹ thuật cơ bản là khi bác sĩ hô rặn thì mím chặt môi và tập trung dồn hơi xuống dưới đẩy thai ra, khi bác sĩ bảo ngưng thì hít một hơi dài chuẩn bị cho đợt rặn kế tiếp.