Siêu âm thai tuần 22 – 23: mốc quan trọng thứ hai

Khi thai được 22-23 tuần tuổi, bạn sẽ phải đi siêu âm lần thứ hai (3D, 4D) và lần này là lần quan trọng nhất cho cả ba lần siêu âm.

 

Bắt đầu từ tuần thứ 18, em bé của bạn đã bắt đầu có một sự phát triển mạnh bao gồm cả trọng lượng nên khi sang đến tuần 22-23, các mẹ bầu sẽ cảm thấy khó khăn trong vận động, vụng về hơn trong sinh hoạt, thậm chí có thể xuất hiện nhưng vết rạn da.

 

Em bé lúc này đã nặng khoảng từ 360 g, độ dài từ đỉnh đầu đến gót chân khoảng 27-28 cm. Mẹ bầu có thể cảm nhận mỗi ngày bụng mình to nhanh thêm nhiều. Lúc này những mẫu váy bầu mát mẻ, dễ chịu nhất cho cả mẹ và con đã bắt đầu phát huy tác dụng rồi.

 

Mỗi ngày, các mẹ nên tranh thủ đọc truyện hay cho bé nghe nhạc, trò chuyện cùng bé. Bởi vì trong giai đoạn này các giác quan phát triển đã cho phép bé nhận biết âm thanh, đặc biệt là những âm thanh nhẹ nhàng, quen thuộc.

 

Đến lúc này, bé đã giống như một đứa trẻ thực sự rồi bởi tất cả các cơ quan đã hình thành. Tuy nhiên, cơ thể bé vẫn rất nhỏ nên trên da còn nhiều nếp nhăn, bởi bé chưa đủ trọng lượng để làm căng da. Quanh cơ thể bé được bao bọc bởi một lớp lông măng để điều hòa cơ thể và bảo vệ bề mặt da. Lớp lông này sẽ rụng dần vào những giai đoạn sau của thai kỳ.

 

Mí mắt, lông mày bé đang ngày càng trở nên khác biệt và rõ nét hơn. Hình dáng đôi mắt đã hình thành từ lâu nhưng con ngươi vẫn còn thiếu sắc tố. Nhờ các dây thần kinh đã kết nối chặt chẽ với nhau thành một khối thống nhất, bé biết phản ứng một cách có chủ đích hơn. Bé thường xuyên chuyển động, đạp, quẫy như một bước tập dượt nhằm chuyển động thuần thục hơn khi chào đời, đồng thời giúp hệ xương chắc khỏe.

 

Đây là thời điểm thai đang tập trung phát triển cân nặng. Bé đã khá lớn và cứng cáp, có thể di động linh hoạt trong buồng tử cung nên dễ dàng phát hiện những bất thường về hình thể. Giai đoạn này, các cơ quan nội tạng đã hình thành và phân chia khá rõ rệt nên sẽ dễ dàng quan sát.

 

Nếu như mẹ bầu cực kỳ háo hức đến lần siêu âm tiếp theo để xem cục cưng của mình lớn lên và hoàn thiện ra sao sau lần siêu âm 3D, 4D đầu tiên, thì đây là thời điểm vô cùng thích hợp.

 

Đây chính là mốc siêu âm 3D, 4D có thể nói quan trọng nhất để bác sĩ chẩn đoán tình trạng thai (bao gồm cả khảo sát các dị tật). Bởi vì bé lúc này đã gần như hoàn thiện nhưng chưa quá lớn để gây chật chội buồng ối, khiến một số bộ phận bị khuất lấp, khó phát hiện, bên cạnh đó, nước ối nhiều nên siêu âm dễ dàng quan sát hơn những tuần lễ sau.

 

Lần này, mẹ sẽ ngạc nhiên khi hình hài của bé khi được chụp qua kỹ thuật 3D rõ nét và lớn hơn thế nào. Nếu muốn, qua kỹ thuật 4D, mẹ có thể ghi lại hình ảnh bé vào đĩa CD làm kỷ niệm.

 

Bác sĩ sẽ kiểm tra chiều dài tứ chi, đường kính sọ não, xác định chính xác hơn sự hiện diện cũng như tình trạng của các cơ quan khác như tim phổi, dạ dày… Từ đó sẽ phát hiện những dấu hiệu bất thường như sứt môi, hở hàm ếch, tim yếu bẩm sinh, dị dạng ở nội tạng, các chi và các bộ phận khác. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể phát hiện sự bất thường của bánh nhau, nước ối…

 

Sở dĩ mốc siêu âm lần này đặc biệt quan trọng vì nếu cần đình chỉ thai, thì phải làm trước tuần 28. Do vậy, sau khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, bác sĩ cần phải tiến hành hàng loạt các xét nghiệm khác để quyết định có nên bỏ thai hay không. Sau thời gian đó, nếu buộc phải kích thích đẻ non thì thai dị tật này vẫn có thể sống, hoặc thậm chí sẽ không thể tiến hành đình chỉ thai.

 

Sau lần siêu âm này, nếu thai có dấu hiệu gì bất thường, bác sĩ sẽ hẹn bạn vào thời gian cụ thể để siêu âm lại hay tiến hành xét nghiệm cụ thể chi tiết hơn để xác minh tình trạng của thai nhi. Nếu mọi thứ bình thường, mẹ bầu có thể yên tâm, tiếp tục dưỡng thai cho tới đợt siêu âm cuối vào tuần 32-33.