Tiểu đường thai kỳ là gì?
Bệnh tiểu đường thai kỳ là bệnh tiểu đường chỉ xuất hiện trong thai kỳ. Cũng giống như các hình thức khác của bệnh tiểu đường, tiểu đường thai kỳ ảnh hưởng đến cách cơ thể sử dụng đường (glucose), nguồn nhiên liệu chính của cơ thể.
Hiện nay chưa có nghiên cứu nào khẳng định chính xác nguyên nhân của tiểu đường thai kỳ. Người ta nghi ngờ các kích thích tố sinh ra trong thời gian mang thai tác động đến insulin (một chất được sản xuất bởi tuyến tụy giúp chuyển glucose từ máu vào tế bào trong cơ thể) làm nâng cao lượng đường trong máu.
Bệnh tiểu đường thai kỳ có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, nhưng thường phát triển trong nửa cuối của thai kỳ và sẽ hết khi sinh xong.Tuy nhiên tiểu đường thai kỳ sẽ làm tăng nguy cơ bị tiểu đường loại 2 sau này.
1/ Những nguy cơ đối với mẹ và bé:
* Nguy cơ đối với bé:
– Phát triển cân nặng quá mức. Thêm đường trong máu khiến tuyến tụy của bé phải sản xuất thêm insulin có thể làm bé phát triển quá lớn khiến mẹ khó sinh, dễ xảy ra biến chứng trong cuộc sinh.
– Hạ đường huyết, nặng hơn có thể gây co giật ở trẻ.
– Hội chứng suy hô hấp. Em bé có mẹ bị tiểu đường thai kỳ dễ có vấn đề về hô hấp hơn
– Vàng da.
Tiểu đường loại 2 sau này. Em bé của bà mẹ bị bệnh tiểu đường thai kỳ có nguy cơ cao bị béo phì và tiểu đường loại 2 sau này, từ đó gia tăng các vấn đề về phát triển kỹ năng vận động, như đi bộ, nhảy hoặc các hoạt động khác đòi hỏi phải có sự cân bằng và phối hợp, hoặc bị rối loạn tăng động.
* Nguy cơ đối với mẹ:
– Tiền sản giật. Bệnh tiểu đường thai kỳ làm tăng nguy cơ tiền sản giật do huyết áp cao và protein dư thừa trong nước tiểu. Nếu không kịp điều trị, tiền sản giật có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng hoặc thậm chí đe dọa tính mạng cho cả mẹ và bé.
– Nhiễm trùng đường tiểu. Phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ cao gấp hai lần so với phụ nữ khác mang thai do đường dư thừa trong nước tiểu.
– Tương lai bệnh tiểu đường. Nếu bị tiểu đường thai kỳ thì nguy cơ bị tiểu đường trong tương lai sẽ cao hơn gấp đôi.
2/ Những người có nguy cơ tiểu đường thai kỳ cao:
Nếu bạn nằm trong nhóm sau đây, tốt nhất tầm soát tiểu đường thai kỳ trong khoảng 3-6 tháng của thai kỳ, nhất là vào giữa tuần 24-28:
– Bạn bị thừa cân, chỉ số BMI (chỉ số cân bằng cơ thể) quá 30
– Bạn đã từng sinh con to quá 4.5kg
– Bạn đã từng bị tiểu đường thai kỳ
– Bạn có người thân bị tiểu đường
– Thống kê cũng cho thấy người có gốc Nam Á, Địa Trung Hải hoặc Trung Đông có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ cao hơn
3/ Phòng chống tiểu đường thai kỳ:
Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Dù có hay không nằm trong nhóm nguy cơ, ngay từ những ngày đầu tiên mang thai hãy cố gắng duy trì lối sống lành mạnh để giảm thiểu nguy cơ nhé:
Bữa ăn lành mạnh, cân đối. Hãy chọn thực phẩm ít chất béo và calo. Tập trung vào các loại rau củ quả và ngũ cốc, bổ sung viên uống vitamin.
Hoạt động thể chất nhiều hơn. Tập thể dục trước và trong khi mang thai là bí quyết hàng đầu chống lại tiểu đường thai kỳ cũng như trang bị cho bạn sức khỏe tốt nhất. Nếu không thể tập liên tục một lần thì chia nhỏ ra nhiều lần tập ngắn. Mục tiêu là ít nhất 30 phút hoạt động thể chất vừa phải mỗi ngày: đi bộ nhanh mỗi ngày, đạp xe đạp, đi bơi, tập yoga hay pilates.
Giảm cân. Thường không được khuyến khích khi mang thai, nhưng mẹ nào thấy mình tăng cân quá mức cũng nên có kế hoạch cụ thể để đạt được cân nặng vừa phải, chủ yếu tập trung vào việc tập thể dục và thay đổi cách ăn uống, không phải ăn ít đi mà là điều chỉnh khẩu phần ăn của mình như đã nêu ở trên. Duy trì cân nặng ổn định sẽ dẫn đến một trái tim khỏe mạnh, năng lượng nhiều hơn, và tự tin hơn.
4/ Điều trị khi mắc tiểu đường thai kỳ:
Theo dõi lượng đường trong máu. Bác sĩ có thể yêu cầu kiểm tra lượng đường trong máu 4 – 5 lần một ngày bằng máy đo đường huyết cầm tay vào đầu buổi sáng và sau bữa ăn để đảm bảo lượng đường trong máu nằm trong phạm vi cho phép.
Chế độ ăn uống. Bữa ăn cần hạn chế tối đa các chất bột và đường. Bạn có thể tham khảo các chuyên gia dinh dưỡng để tư vấn cho mình chế độ ăn phù hợp cho người tiểu đường
Tập thể dục. Tập thể dục làm giảm lượng đường trong máu nhờ cơ thể cần tiêu hao năng lượng và đường sẽ được vận chuyển đến các tế bào nhiều hơn. Thường xuyên tập thể dục cũng giúp ngăn ngừa một số các triệu chứng khó chịu của thai kỳ như đau lưng, chuột rút, táo bón và khó ngủ. Nếu trước khi mang thai bạn không quen vận động thì có thể tập dần dần từ ít đến nhiều, từ dễ đến khó. Các hoạt động thông thường như làm việc nhà, làm vườn cũng rất tốt.
Thuốc. Nếu chế độ ăn uống và tập thể dục không đủ, có thể bác sĩ sẽ cho tiêm insulin để giảm lượng đường trong máu. Khoảng 15% phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ cần tiêm insulin để đạt được mức glucose trong máu an toàn.
Em bé cũng cần được theo dõi thường xuyên hơn. Bác sĩ có thể sẽ theo dõi sự tăng trưởng của bé bằng siêu âm và một số xét nghiệm khác
Sau khi sinh, em bé và mẹ cần được xét nghiệm máu ngay để can thiệp kịp thời nếu như lượng glucose trong máu bé ở mức không an toàn. Mẹ cũng sẽ được xét nghiệm máu thêm lần nữa sau 6 tuần, thường thì lúc này tiểu đường thai kỳ sẽ hết và bạn có thể ngưng các biện pháp điều trị nếu lượng đường đã trở lại bình thường.