Mẹ béo phì hoặc tăng cân quá nhiều khi mang thai làm gia tăng nguy cơ biến chứng cho mẹ và thai nhi trong thai kỳ.
Theo nghiên cứu mới nhất, hơn 30% phụ nữ tăng cân qua mức trong thời gian mang thai.
Béo phì có thể làm gia tăng nguy cơ cao huyết áp, tiểu đường trong thời gian thai kỳ, có thể dẫn đến tiền sản giật. Thậm chí, nguy cơ sẩy thai, chết lưu hoặc sinh non cũng tăng lên nếu mẹ béo phì hoặc tăng cân quá nhiều trong thời kỳ mang thai.
Mẹ béo phì hoặc tăng cân quá mức cũng có thể khiến bé dị tật bẩm sinh và khó khăn khi siêu âm, chẩn đoán. Trong thời gian chuẩn bị sinh, mẹ béo phì cũng có thể tăng nguy cơ máu đông, nhiễm trùng và khó gây mê. Nghiên cứu cho thấy, mẹ béo phì cũng có vấn đề về cho con bú, mặt khác, việc giảm cân sau sinh là vấn đề nan giải vô cùng.
Một số thí nghiệm trên chuột cũng cho thấy những chú chuột được sinh ra từ mẹ thừa cân có thể bị thay đổi cấu trúc não và di truyền vĩnh viễn, gây ra nguy cơ tim mạch, huyết áp cao và tiểu đường.
Ông Melinda Johnson, chuyên gia dinh dưỡng Viện dinh dưỡng và chế độ của Anh, cho hay: “Chúng ta đang tạo ra thế hệ trẻ béo phì, khi chúng lớn lên và sinh con, vấn để di truyền sẽ bị thay đổi nghiêm trọng”.
Nếu bạn đang lập kế hoạch để mang thai, hãy bắt đầu tìm hiểu chế độ ăn uống thích hợp trong thời gian thai kỳ để không tăng cân quá mức.
Nghiên cứu mới đây tại bệnh viên Chicago Mỹ cho thấy phụ nữ béo phì khi bắt đầu mang thai có thể sinh ra đứa con bị thiếu hụt vitamin D.
Nghiên cứu cho thấy phụ nữ béo phì truyền vitamin D cho con ít hơn so với phụ nữ gầy. Con của các bà mẹ gầy có nồng độ vitamin D cao hơn 1/3.
Mức tăng cân hợp lý khi mang thai
Khi mang thai, cơ thể phụ nữ có nhiều sự thay đổi, dẫn đến thời kỳ gọi là “ốm nghén” như: nhu cầu về năng lượng và các dưỡng chất gia tăng, hấp thu ở ruột tăng, thay đổi về chuyển hóa cơ bản, sự thay đổi của nội tiết tố trong cơ thể dẫn đến biểu hiện chán ăn một hoặc nhiều món, buồn nôn, nôn, ợ nóng, táo bón.
Những thay đổi này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự tăng cân của thai phụ, khiến họ không tăng cân thậm chí bị sụt cân đi.
Tuy nhiên, khi các triệu chứng nghén qua đi, nhiều thai phụ ăn “trả bữa”, không kiểm soát, dẫn đến tăng quá nhiều cân mà không lường trước được nhiều vấn đề có thể xảy ra cho sức khỏe của mẹ và em bé như: tình trạng béo phì của mẹ sau khi sinh và những khó khăn khi sinh do con to như chuyển dạ kéo dài, khó sinh do vai em bé to, sinh mổ, chấn thương, hoặc ngạt khi sinh…
Để tránh được việc này, các nhà khoa học đã khuyến nghị chị em phụ nữ mang thai nên tăng cân hợp lý theo chỉ số BMI (chỉ số khối lượng cơ thể) của mình trước lúc mang thai.
Cụ thể như sau: Mức tăng cân đủ trong suốt thai kỳ được khuyến nghị tại Việt Nam là từ 10 – 12 kg, trong đó: 3 tháng đầu không tăng cân hoặc tăng 1 kg, 3 tháng giữa tăng 4 – 5 kg, 3 tháng cuối tăng 5 – 6 kg. Trong 6 tháng cuối mỗi tháng tăng ít hơn hoặc bằng 1 kg là tăng cân ít.
Dưới đây là những khuyến cáo cho chế độ ăn uống phù hợp:
Cắt giảm đồ ăn vặt
Thực phẩm ăn vặt chứa nhiều đường, chất béo làm cân nặng của bạn tăng nhanh chóng dù vậy chúng lại không mang lại nhiều calo cho cơ thể.
Việc tăng cân quá nhanh khiến mẹ bầu rất dễ mắc tiền sản giật, bệnh tiểu đường thai kỳ, đau lưng, khó thở vì vậy chị em nên tránh những thức ăn nhiều đường và chất béo. Hãy cắt giảm những đồ ăn vặt như bánh ngọt, nước uống có ga trong chế độ ăn uống hàng ngày.
Ăn ít nhưng chia thành nhiều bữa nhỏ
Ốm nghén, ợ nóng và khó tiêu có thể làm cho tất cả các bữa ăn chính của bạn trở lên nhàm chán và tình trạng này sẽ trở lên tồi tệ hơn khi em bé dần lớn lên. Vì vậy, thay vì ăn 3 bữa chính, chị em nên chia nhỏ bữa ăn thành 5 – 6 bữa và tương đương là khẩu phần ăn mỗi bữa cùng ít đi.
Việc chia nhỏ bữa ăn giúp bạn nhận được đầy đủ calo và dinh dưỡng cần thiết mà vẫn giữ năng lượng cũng như mức độ đường trong máu ổn định. Cách ăn này còn giúp mẹ bầu bớt ốm nghén.
Ăn chậm, nhai kỹ
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi ta ăn với một ai đó sẽ có xu hướng ăn nhiều hơn 750 calories so với ăn một mình. Chính vì thế hãy nhấm nháp những loại đồ ăn bạn thích trong ngày. Tới bữa ăn, hãy ăn thật chậm, nhai kỹ. Nó sẽ kiềm chế bạn ăn nhiều hơn khi ăn cùng người khác và giúp bạn cảm nhận được hương vị thơm ngon của thức ăn.
Ăn bữa sáng đầy đủ
Nhiều người thường nghĩ bỏ bữa bữa sẽ hạn chế việc tăng cân. Tuy nhiên suy nghĩ này hoàn toàn sai lầm. Bỏ bữa sẽ khiến bạn muốn ăn nhiều hơn vào bữa sau, hơn nữa sau 6 – 8 tiếng ngủ vào buổi tối cả bạn và em bé cần được cung cấp năng lượng vào buổi sớm trong ngày. Tình trạng thiếu năng lượng, cơn đói cồn cào do bỏ bữa làm bạn cảm thấy mệt mỏi, ủ rũ trong suốt buổi sáng.
Đừng ăn cho hai người
Những người xung quanh thường động viên bà bầu ăn nhiều lên, “ăn cho 2 người” nên phải ăn gấp 2 lần, nhưng thực tế, bạn là người biết rõ nhất ăn như thế nào là đủ chất cho cả hai mẹ con. Vì vậy, đừng vì những người khác nói mà cố ăn thêm một chút nữa, mỗi lần một chút sẽ khiến cân nặng bạn tăng lên không ngờ đấy.
Đừng quên uống đủ nước
Sự thiếu nước đôi khi làm bạn cảm thấy đói. Nếu bạn đã lên kế hoạch sẵn cho việc ăn uống của mình mà vẫn cảm thấy đói, có thể bạn cần phải uống nhiều nước hơn nữa. Nước không chỉ quan trọng với cơ thể, với thai nhi, nó còn giúp bạn ngăn chặn được cảm giác đói và thèm ăn.
Ăn nhiều rau quả, trái cây để bổ sung vitamin
Ăn thêm rau quả, trái cây trong bữa ăn vừa bổ sung vitamin cho cơ thể, chống táo bón vừa hạn chế việc ăn thêm các thức ăn khác.
Tập thể dục đều đặn
Nếu bạn đang mệt mỏi hoặc ốm nghén thì rất khó để có thể ngồi dậy tập thể dục nhưng đây lại là hoạt động có lợi cho bà bầu. Tập thể dục thường xuyên giúp tăng năng lượng, cải thiện hơi thở và sức chịu đựng của bản thân. Ngoài ra thể dục đều đặn còn giúp mẹ bầu tránh tăng cân quá nhanh.
Theo các nghiên cứu, tập thể dục cũng giúp mẹ bầu ngủ ngon và nhanh lấy lại vóc dáng sau sinh. Tuy nhiên, thời gian này bạn không nên tập những môn thể thao quá khó mà chỉ nên tập luyện nhẹ nhàng những môn như yoga, đi bộ hoặc bơi lội.